Những ngày qua giới trẻ, đặc biệt là các bạn đam mê du lịch và trót mến thương thành phố sương mù đã ngẩn ngơ khi hay tin các trụ đèn giao thông đã, đang được lắp đặt tại đây. Đà Lạt từng khiến người trẻ Việt “điêu đứng” bởi sở hữu những điều mà không một địa điểm du lịch nào có được. Nhưng hôm nay, một trong những yếu tố đưa xứ sở ngàn hoa trở thành cái tên hàng đầu trong lòng giới trẻ đã không còn nữa. Mặc dù đây là giải pháp tối ưu cho tình hình giao thông hiện tại, cũng không ảnh hưởng đến đời sống người dân hay trải nghiệm của du khách, nhiều người vẫn tiếc cho một hình ảnh đã gắn liền với thành phố này từ xưa kia.
Mục Lục
Đà Lạt và “3 Không” thu hút khách du lịch
“3 không” không phải là một chiến dịch, mà là những thứ mà Đà Lạt không hề có. Đầu tiên phải kể đến là không đèn đỏ. Thành phố Đà Lạt nằm trên cao nguyên Lâm Viên, nên có rất nhiều đồi, dốc. Ở đây không lắp các hệ thống đèn giao thông. Ở các ngã ba, ngã tư, người ta xây dựng bùng binh. Đà Lạt không nhiều phương tiện tham gia giao thông nên đường rất thông thoáng. Ý thức chấp hành luật của người dân rất tốt.
Thứ hai là Đà Lạt không xích lô. Do địa hình đồi dốc, việc đạp xích lô quả là một điều khó khăn ở thành phố ngàn hoa này. Cái không cuối cùng đó chính là không điều hòa. Thành phố Đà Lạt nằm trên độ cao khoảng 1.500 m so với mực nước biển. Khí hậu nhiệt đới núi cao, nhiệt độ trung bình từ khoảng 18-21 độ C. Vì khí hậu lạnh, nên hầu như là người dân cũng như các nhà hàng, khách sạn không sử dụng điều hòa.
Có nhiều người còn nói ở Đà Lạt có “4 không” chứ không phải “3 không”. Đó là trước đây Đà Lạt không có hồ bơi. Nhưng thực tế cho thấy rằng khi chúng ta tham quan biệt điện Trần Lệ Xuân, hồ bơi được gia đình bà cho xây dựng và sử dụng từ rất lâu rồi. Thế nên cho dù là “3 không” hay “4 không”, Đà Lạt vẫn là một thành phố đặc biệt trong mắt du khách.
Thành phố ngàn hoa không đèn giao thông chỉ còn trong quá khứ
Mới đây, giới trẻ Đà Lạt và những du khách yêu mến thành phố cao nguyên này rầm rộ chia sẻ hình ảnh về chiếc đèn giao thông xanh đỏ đầu tiên xuất hiện ở đây. Nhiều người tiếc nuối khi Đà Lạt sẽ mất “danh xưng”: “thành phố không đèn xanh đỏ”:
“Tuy vẫn thích Đà Lạt của tôi là thành phố không đèn xanh đỏ. Nhưng có chiếc đèn cũng yên tâm hơn. Ngày lễ, Tết, giao thông phức tạp quá. Nguy hiểm lắm”
“Đúng là thành phố ngàn hoa. Đến chiếc đèn giao thông cũng nở đầy hoa luôn. Đáng yêu ghê!”
“Cột đèn xanh đỏ – điểm checkin mới nổi của giới trẻ Đà Lạt”
Có nhiều ý kiến khác nhau về sự xuất hiện của cột đèn giao thông xanh đỏ tại Đà Lạt. Nhưng đa phần mọi người tán thành khi nhiều năm gần đây, mật độ giao thông của thành phố này rất lớn, nhất là trong dịp lễ, Tết.
TP Đà Lạt buộc phải thực hiện biện pháp nhằm giải quyết việc ùn tắc giao thông
Nâng cấp các nút giao thông
Từ ngày 5/10, các ngành chức năng TP Đà Lạt đã bắt đầu lắp đặt trụ đèn tín hiệu giao thông tại các nút giao thông trọng yếu thường xuyên bị ùn tắc. Theo UBND TP Đà Lạt, vào cuối năm nay, 7 nút giao thông trên địa bàn sẽ có đèn xanh đỏ theo dự án chống ùn tắc giao thông.
Việc cải tạo, nâng cấp các nút giao thông này nhằm nhằm chủ động ứng phó, giải quyết tình trạng ùn tắc, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn TP Đà Lạt; phục vụ an ninh, quốc phòng; đảm bảo điều kiện hạ tầng kỹ thuật đô thị phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội, nhất là vào các dịp lễ Tết, Festival hoa Đà Lạt 2022…
7 hệ thống đèn xanh đèn đỏ
Cụ thể, 7 nút giao trên địa bàn TP Đà Lạt sẽ được cải tạo, nâng cấp và lắp đặt hệ thống đèn xanh đèn đỏ gồm:
– Nút giao thông Kim Cúc. Mở rộng nút giao và các tuyến đường kết nối gồm: Ba Tháng Tư, Trần Hưng Đạo; Hồ Tùng Mậu, Khởi Nghĩa Bắc Sơn và đường xuống Quảng trường Lâm Viên.
– Nút giao thông Trần Phú – Bà Triệu – Đào Duy Từ. Mở rộng nút giao và các tuyến đường kết nối gồm: Trần Phú, Đào Duy Từ; Bà Triệu, đoạn nối đường Trần Phú với đường Bà Triệu.
– Nút giao thông Ngã 5 Đại học. Mở rộng nút giao và các tuyến đường kết nối gồm: Đinh Tiên Hoàng; Trần Nhân Tông, Phù Đổng Thiên Vương, Nguyễn Công Trứ, Bùi Thị Xuân.
– Nút giao thông Hùng Vương – Trần Quý Cáp. Mở rộng nút giao và các tuyến đường kết nối gồm Hùng Vương; Trần Quý Cáp, đoạn nối Hùng Vương với Trần Quý Cáp.
– Lắp đặt đèn xanh đèn đỏ tại các nút giao Hải Thượng – Ba Tháng Hai, Hoàng Văn Thụ – Ba Tháng Hai, Phan Chu Trinh…