Tôm là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, được các bà nội trợ ưa chuộng và chế biến thành nhiều món ngon trong thực đơn dinh dưỡng cho bé. Tuy nhiên, ruốc tôm thì có vẻ còn khá mới mẻ, vì nhiều người cho rằng làm rất cầu kỳ và tốn thời gian. Ắt hẳn bạn sẽ phải suy nghĩ khác đi sau khi tự tay làm ruốc tôm ăn dặm cho bé đấy. Làm ruốc tôm không khó như bạn nghĩ đâu, cực dễ luôn ấy. Chỉ cần tham khảo bài viết dưới đây và làm đúng theo từng bước là được rồi.
Mục Lục
Những lợi ích mà ruốc tôm mang lại cho trẻ nhỏ đang trong quá trình ăn dặm
Ruốc tôm rất giàu chất đạm tốt cho sự chuyển hóa trao đổi chất trong cơ thể; vitamin A,C và D rất tốt cho sự hình thành và phát triển xương rất cần thiết với trẻ nhỏ. Không những vậy ruốc tôm còn rất giàu protein giúp hình thành cơ bắp, sắt sản sinh tế bào hồng cầu và nhiều chất xơ, khoáng chất và vitamin khác có lợi cho cơ thể, cung cấp nguồn Omega-3 và canxi giúp tăng cường thị lực và phát triển trí não tốt nhất.
Đối với trẻ đang ăn dặm thì ruốc tôm là món ăn có vị ngọt, thơm của tôm và thịt kích thích sự thèm ăn, tạo cảm giác ngon miệng ở trẻ. Nhất là đối với những trẻ lười ăn, biếng ăn, kén ăn thì món ruốc tôm thịt là giải pháp hiệu quả nhất cho các mẹ đấy nhé.
Cách làm món ruốc tôm bằng tôm tươi

Chuẩn bị:
– Tôm tươi: 200g
– Sả: 1 cây to
– Dầu gấc: 2 muỗng
– Nước mắm hoặc hạt nêm: 2 muỗng
Thực hiện:
Bước 1: Cắt râu và đuôi tôm, rửa sạch rồi để ráo.
– Nhặt sả, bỏ lá rồi rửa sạch, đập thật dập
– Đặt xả và tôm vào nồi hấp cách thủy cho đến khi tôm chín hồng. Bước này sẽ giúp khử mùi hôi tanh của tôm và giúp tôm chắc, ngọt thịt hơn.
Bước 2: Tôm khi đã được hấp chín thì gắp ra đĩa để nguội. Sau đó bóc vỏ, lược bỏ đầu, đuôi và chỉ đen ở lưng tôm. Giữ lại phần thịt tôm để làm ruốc.
Lưu ý các mẹ có thể giữ lại phần đầu và vỏ tôm lại để đun nước nấu canh rau cho con cũng rất bổ dưỡng và ngon miệng.
Bước 3: Băm nhỏ tôm rồi cho vào cối giã. Giã càng nhuyễn càng tốt, trẻ sẽ không bị hóc khi ăn. Tốt nhất nên chia tôm thành nhiều phần để giã. Dùng tay bóp nhuyễn, nếu ruốc đã tơi có nghĩa đã đạt yêu cầu.
Bước 4: Rang ruốc tôm
– Bắc chảo lên bếp, cho 2 thìa dầu gấc trên lửa nhỏ hoặc vừa rồi cho ruốc tôm vào. Đảo đều tay để tôm không bị vón cục. Thêm 2 thìa nước mắm hoặc hạt nêm để ruốc càng thêm đậm vị.
– Rang ruốc đến khi có mùi thơm, ngả sang màu đỏ vàng đẹp mắt trong khoảng 10-15 phút.
Cách làm ruốc tôm bằng tôm khô

Nguyên liệu:
Tôm khô 500 gram
Đường 1 thìa
Nước mắm 2 thìa
Dụng cụ thực hiện:
Nồi, máy xay sinh tố, chảo,…
Cách chế biến:
1. Sơ chế nguyên liệu:
Trước hết, rửa sạch tôm khô rồi ngâm với nước ấm cho thịt mềm và giảm vị mặn.
Sau đó, vớt tôm ra để ráo. Chia tôm thành từng phần cho vào cối giã mịn hoặc cho vào máy xay nếu bạn không có thời gian.
2. Rang tôm
Chuẩn bị 1 rá tre hoặc sắt, dùng tay cầm một phần tôm khô chà mạnh và mặt rá để tôm bông ra, tạo thành dạng sợi. Sau đó cho một chút dầu lên chảo nóng rồi rang tôm.
Thành phẩm:
Món ruốc tôm được làm từ tôm khô có hình sợi bông mịn, vị dậm đà và màu vàng đặc trưng. Bạn có thể dùng trực tiếp hoặc ăn kèm với cơm, bánh bèo cũng rất ngon.
Một số mẹo bảo quản ruốc tôm lâu
- Khi làm ruốc tôm xong thì để cho ruốc nguội hẳn mới cho vào lọ khô, sạch đậy nắp kín.
- Ruốc để ở nhiệt độ thường khoảng nửa tháng, muốn bảo quản lâu hơn thì để trong ngăn mát tủ lạnh khoảng 2-3 tháng.
- Khi nào ăn mới mở hộp, tránh để ruốc tiếp xúc nhiều với không khí. Lấy ruốc phải dùng thìa hoặc đũa khô và sạch, không được để ruốc tiếp xúc với nước sẽ làm hỏng ruốc và nhanh mốc.